Nhuộm răng được xem là một trong những phong tục xa xưa của rất nhiều dân tộc tại châu Á trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, ngoài người Kinh thì các dân tộc thiểu số khác như là Thái, Si La, Tày, Dao đều có phong tục này.Tuy nhiên, mỗi nơi, mỗi dân tộc sẽ có những cách thức nhuộm răng hoàn toàn khác nhau. Dưới đây, chrusan.com sẽ giới thiệu đến bạn nguồn gốc, ý nghĩa và kỹ thuật nhuận răng của người Việt xưa, hãy cùng khám phá các bạn nhé!
Mục Lục
Phong tục nhuộm răng đen
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Chính tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng. Bởi nhai trầu thường làm ố đen răng. Nên phải nhuộm đen, nhuộm thật đen để loại bỏ tác dụng trên. Đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng… “Da trắng, răng đen” tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy!
Các cô gái, cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen. Thậm chí, việc nhuộm răng đen còn lan sang cả cánh đàn ông nhưng số lượng ít hơn. .
Nguồn gốc của tục nhuộm răng của người Việt
Lịch sử của tục nhuộm răng ở Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Theo truyện cổ tích nước ta ghi nhận vào thời nhà Chu, ở Việt Nam đã xuất hiện tục nhuộm răng, theo đó “Người Việt có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen…” và có liên quan đến hai tục khác là ăn trầu và xâm mình. Tuy nhiên, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư lại không ghi nhận điều này, mặc dù có đề cập đến tục xâm mình.
Trong Lịch sử Việt Nam (Tập I, NXB KHXH, 1971, trang 48) có ghi: “thời Hùng Vương… người ta nhuộm răng, ăn trầu”. Vào thế kỷ XVIII (1789), trong bài Hịch của Vua Quang Trung có một đoạn nói về tục nhuộm răng như sau:
- Đánh cho để dài tóc
- Đánh cho để đen răng
Như vậy, có thể tạm xác định tục nhuộm răng đen đã ra đời từ rất lâu, có thể có từ thời Văn Lang. Trong đó, thông tin đáng tin cậy nhất là khoảng trước thế kỷ XVIII đã có tục này.
Ý nghĩa
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Trong văn chương, tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ được ca ngợi tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu được.
“Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?” (Ca dao)
Hay:
“Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen” (Ca dao)
Và:
“Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen” (Ca dao)
Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” Hoàng Cầm:
“…Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…”
Bên cạnh đó là ý thức dân tộc trong việc phân biệt hai nền Văn hóa phương Nam (Việt Nam) và phương Bắc (Trung Quốc). Bài Hịch của Quang Trung là một dẫn chứng về điều này. Đã là người dân Việt thì dù nam hay nữ từ 16 đến 17 tuổi đều phải nhuộm răng đen. Người nào để răng trắng thì bị khinh rẻ, miệt thị. Vì cho là người bất chính mà trong dân gian thường dùng câu: “Răng trắng như răng chó”, “Răng trắng như răng ngô”.
Việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng; trừ những đức trẻ còn răng sửa. Ngoài ra đều phải nhuộm đen, không ai có thể cưỡng lại qui luật trên. Nếu phạm luật sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Nếu chỉ dựa trên quan điểm thẩm mỹ thì mang tính cá nhân. Nhưng khi đã thành luật thì nó mang một ý nghĩa khác, mang tính quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh này, chinh chiến luôn diễn ra triền miên giữa nước ta và chính quyền phong kiến phương Bắc. Vì vậy, chỉ có một cách hiểu đúng là ý thức phân biệt văn hóa hai miền Nam – Bắc và chống đồng hoá.
Kỹ thuật nhuộm răng của người Việt xưa
Người Việt chỉ nhuộm răng khi đã thay răng sửa hoàn toàn. Vì đây là thời điểm răng còn non, dễ thấm thuốc vào men răng.
Chế tạo thuốc nhuộm
Thuốc dùng để nhuộm bao gồm các thành phần chủ yếu như: Bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, nhựa gáo dừa. Nhuộm răng trước hết phải vệ sinh răng sạch, sáng bóng. Ba ngày trước khi nhuộm phải đánh, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối. Một ngày trước khi nhuộm phải ngậm chanh, súc miệng bằng rượu trắng, để men răng “mềm”. Thời gian này là một thử thách lớn vì nước cốt chanh sẽ làm sưng hết các bộ phận của miệng và răng.
Thuốc nhuộm được pha từ bột cánh kiến và nước cốt chanh tạo thành một hỗn hợp sệt,. Sau đó trét (trát) lên lá dừa hoặc cau rồi áp lên răng. Công đoạn này thường được thực hiện sau buổi cơm chiều, nửa đêm; sẽ được thay bằng một miếng khác, tương tự. Hôm sau người “thầy” nhuộm sẽ gở miếng nhựa sơn ra. Người nhuộm phải súc sạch miệng bằng nước mắm hoặc nước dưa chua. Trong khi đắp sơn tuyệt đối không được mở miệng. Tuần tự việc thay lớp thuốc nhuộm diễn ra 2 lần trong ngày. Và kéo dài trong 7 ngày liên tục. Trong những ngày này, người được nhuộm chỉ nuốt trọng (trửng) thức ăn.
Tiến hành nhuộm răng
Khi răng có màu đỏ giống màu cánh kiến thì được bôi một hỗn hợp dung dịch khác bao gồm: phèn đen và nhựa cánh kiến; được phết trong vòng 2 ngày. Cuối cùng là cố định răng bằng nhựa gáo dừa. Tác dụng của loại nhựa này nhằm tạo lớp men phủ trên thân răng. Kết quả của quá trình công phu này là một hàng răng đen đều như những hạt mãng cầu (na) hay còn gọi là răng hạt huyền. Để giữ răng luôn đen bóng, hàng năm phải phủ lên lớp như gáo dừa này.
Vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân phương Tây đến nước ta, trào lưu nhuộm răng đen ngày càng giảm và mất đi. Ngày nay, hiếm gặp những thiếu nữ răng đen trên đường phố, có chăng là những cụ già ở vùng Bắc Bộ.
Tục nhuộm răng, ăn trầu là những phong tục truyền thống của nước ta, mặc dù hiện nay không còn tồn tại nhưng tục nhuộm răng là một trong những giá trị văn hóa dân tộc cần được trân trọng và lưu giữ.