Ẩm thực miền Nam khá đa dạng do đặc điểm sản vật theo mùa của vùng đất này. Họ có được sự ưu ái của thiên nhiên cho nên các nguyên liệu nấu ăn của họ khá phong phú. Do đó có rất nhiều món ăn đặc sản của vùng đất này với nhiều khẩu vị đặc trưng. Với việc lên thực đơn bữa cơm hàng ngày của các gia đình vùng đất này, các bà nội trợ sẽ thấy tương đối dễ dàng. Có thể tham khảo thực đơn 3 món: thịt bò nấu cà rốt, bông cải xanh xào tỏi và canh cá mú nấu lá lốt.
Mục Lục
Cách nấu món thịt bò nấu cà rốt
Thịt bò bổ máu, cà rốt tốt cho mắt. Kết hợp 2 thực phẩm này thì hôm nay thực đơn bữa cơm hàng ngày cho gia đình miền Nam 3 món sẽ mang đến cho các bạn món thịt bò nấu cà rốt.
Chuẩn bị:
- 400g thịt bò nạm
- 1 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- 5 củ hành tím
- 1 muỗng canh sốt cà
- Đường , dầu ăn, tiêu
Cách làm:
B1: Thịt bò ta rửa sạch, để ráo, sau đó cắt thành miếng vuông vừa ăn, rồi ướp chung với muối, tiêu.
B2: Cà rốt gọt vỏ sạch, đem rửa rồi xắt thành khoanh. Hành tây sau khi lột vỏ thì bổ dọc, cắt thành múi. Hành tím cũng lột vỏ rồi bào nhỏ.
B3: Phi hành bào với dầu thiệt thơm, bỏ thịt vào chiên vàng, sau đó cho nước vào vừa ngập thịt và để lửa nhỏ. Ta thả luôn cà rốt vào nấu chung, cho tới khi thịt và cà rốt mềm thì bỏ tiếp hành tây và sốt cà. Sau khi nêm vừa ăn rồi tắt bếp, dọn ra dĩa ăn nóng rất ngon.
Cách nấu món bông cải xanh xào tỏi
Bông cải là món ăn được nhiều người yêu thích và nó cũng rất là tốt cho sức khỏe.
Chuẩn bị:
- 1 cây bông cải xanh
- Nửa củ cà rốt
- Tỏi băm
- Bột nêm, nước mắm
Cách làm:
B1: Đầu tiên bông cải xanh cắt thành từng miếng nhỏ và rửa sạch. Cà rốt gọt vỏ và thái lát (đừng thái dày quá khi xào nó sẽ lâu chín và bị cứng).
B2: Nấu một nồi nước sôi, cho 1 ít muối vào, bỏ bông cải canh vào nồi chần 1 phút rồi vớt ra. Tiếp theo cho cà rốt vào nồi nước đó, chần sơ cho chín tái rồi cũng vớt ra để ráo.
B3: Cho dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng phi tỏi cho thơm rồi bỏ bông cải xanh và cà rốt vào xào. Thêm bột nêm, nước mắm và nếm vừa ăn. Ta để lửa to xào liên tục khoảng 5 phút rồi tắt bếp cho món ra dĩa. Rau thì ăn nóng mới ngon nhé.
Cách nấu món canh cá mú nấu lá lốt
Cá mú là loại cá vẫn còn xa lạ với một số chị em, nhưng loại cá này nấu canh cũng rất ngon. Nếu gia đình đã ngán cá lóc, cá diêu hồng, cá chép… thì bạn có thể thay bằng cá mú để làm món canh cá mú nấu lá lốt trong thực đơn bữa cơm gia đình miền Nam 3 món ngày 6 nhé.
Chuẩn bị:
- 1 con cá mú nhỏ khoảng 300g
- 10 lá lốt
- Cà chua, chanh, tỏi, gừng, hành tím
- Dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, bột canh
Cách làm:
B1: Cá mú sau khi làm sạch vảy thì rửa sạch lại với nước muối loãng và để ráo.
B2: Hành, tỏi lột vỏ và băm nhỏ. Lá lốt rửa sạch và thái sợi. Cà chua cũng rửa sạch và cắt múi cau.
B3: Cho dầu vào nồi, phi thơm hành tím và tỏi. Sau đó thả cà chua vào xào cho tới khi chín mềm, trong lúc xào cho thêm 1 muỗng nhỏ bột canh.
B4: Đổ nước vào nồi với lượng vừa ăn của gia đình. Nước sôi ta thả cá vào, cùng 1 mẩu gừng nhỏ đã đập dập. Nấu sôi nồi cá thêm 10 phút nữa thì cho lá lốt vào nồi. Lúc này cho gia vị hạt nêm, nước mắm, bột ngọt nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp. Cho canh ra tô và thưởng thức nóng.
Phong cách ẩm thực “mùa nào thức nấy”
Ở Nam Bộ nơi đâu cũng là những con sông đầy ắp phù sa, những kênh, rạch chằng chịt, không mùa nào không thiếu tôm, cá, cua và nhiều loài thủy sản phong phú… Mỗi khi mùa nổi, người dân miền Nam lại có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon như lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, bún nước lèo.
Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp đặc sắc của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa còn non, thịt mềm ngọt, hầu như không có xương. Bông điên điển cũng vào mùa trổ bông, vàng ươm, giòn giòn, bùi bùi. Kết hợp vị ngọt từ cá linh và vị chua thanh, thơm giòn của bông điên điển tạo nên món canh, lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon khó cưỡng mà không nơi nào có được.
Nếu mùa nước nổi nức tiếng với những món ăn đặc sản từ cá linh, cua đồng, bông điên điển, bông súng, thì ẩm thực vào mùa gặt ở miền Nam không thể không nhắc đến chuột đồng nướng lu, cá lóc nướng trui, cá trê nướng rơm, …
Chuột đồng ngon nhất là vào mùa gặt. Khi lúa trên đồng chín rộ, nguồn thức ăn dồi dào thì những con chuột đồng cũng trở nên béo múp hơn. Chuột đồng được nướng chín vàng, lớp da giòn dai còn thịt mềm thơm, nhâm nhi với rượu gạo và nghe vài điệu vọng cổ đã trở thành cái thú thưởng thức của người miền Tây.